#67. Làm gì với nỗi sợ?
Không phải lúc nào bạn cũng nhìn thấy trước những cái “Hố”. Bạn sẽ làm gì để giúp con vượt qua nỗi sợ và bước tiếp?
Một tình huống của chính con mình
Mùa hè bắt đầu, các bể bơi đông đúc bởi những đứa trẻ nghỉ hè được bố mẹ mang đến bơi và tập bơi. Trẻ học bơi chủ yếu là các bé mầm non hoặc tiểu học. Huấn luyện viên phần lớn là các thầy/cô trẻ hoặc trung niên – họ có thể là người dạy bơi tự do hoặc là giáo viên của Trung tâm bể bơi đó. Mình không nghi ngờ gì về khả năng bơi của họ nhưng khả năng sư phạm thì chưa chắc vì không phải huấn luyện viên nào cũng biết và hiểu về tâm lý trẻ em trong khi đó tâm lý chiếm 50% tỷ lệ bạn học bơi thành công
Cậu con trai mình đi học bơi ở 1 bể bơi lớn của Hà Nội khi bạn ấy 5 tuổi. Sau 2/3 số buổi bạn ấy đã vui vẻ bơi ếch cùng cô giáo dạy bơi từ đầu này đến đầu kia của bể bơi. Nhưng vấn đề khó hiểu bắt đầu từ khi cô giáo không xuống nước nữa mà đứng trên bờ cầm xây xào để dắt bạn ấy tự bơi.
Cu cậu chỉ bơi được vài nhịp và sau đó ngoáy loạn xạ và đập nước chới với cầu cứu cô. Cả cô giáo và cả bố ra sức giảng giải và động viên nhưng bạn ấy cứ xuống nước bơi được vài nhịp rồi lại chìm. Buổi tiếp theo mình đến và chứng kiến bạn ấy tiếp tục như vậy: cô cứ đẩy bạn ấy ra bơi là bạn ấy lại loạng choạng và chới với rồi sặc nước. Cô giáo giải thích với bố mẹ là bạn ấy đã biết bơi nên không thể như thế được và cô áp dụng biện pháp mạnh: cứ vứt nó ra nước nó khắc phải bơi. Nhưng không, cô đẩy bạn ấy xuống nước và mặc kệ một lúc nhưng rồi bạn ấy nhất quyết không bơi và chìm dần khiến cô lại phải vớt lên. Cô giáo bất lực! Bố đi theo cũng thử tìm cách cho bạn ấy bơi nhưng cũng bất lực nốt.
Trở về nhà bạn ấy không kêu ca, khóc lóc gì cả nhưng cuối tuần khi bảo đi bơi thì không muốn đi nữa. Bảo đến bể bơi đó chơi thôi (không bơi) bạn ấy cũng không muốn. Mình quyết định cho dừng khóa học bơi dù vẫn còn buổi học đã đóng tiền. Mình đã nói chuyện với con, đã tìm kiếm thông tin về tâm lý trẻ nhỏ khi tập bơi và tự chiêm nghiệm chính tâm lý của mình khi học bơi và một kế hoạch khác được đặt ra:
Mình cho bạn ấy dừng đến bể bơi trong 2 tuần (không để quá lâu) và trong thời gian này mình vẫn trò chuyện về bể bơi, hướng tới những điều tích cực để bạn ấy không quên bể bơi nhưng cũng không bị ám ảnh.
Sau đó mình đưa bạn ấy đến một bể bơi khác và chỉ chơi ở bể vầy, không ra bể sâu. Vì mới 5 tuổi bạn ấy chơi ở bể vầy rất vui và 2 mẹ con đã đi chơi như thế trong 3 tuần liền.
Đến tuần thứ 4 mình bắt đầu khích lệ bạn ấy ra bể sâu bơi cùng mẹ và bạn ấy đã đồng ý. Mình đã kèm bạn ấy bơi ở bể bơi mới trong 4 tuần cho đến khi bạn nhỏ bơi hết 1 vòng bể và mẹ chỉ đi sát bên bờ để động viên không bơi cùng nữa.
Sau 2 tháng mình đưa bạn ấy quay trở lại bể bơi cũ thì bạn ấy không còn sợ nữa và trở thành con rái cá lặn ngụp, nghịch ngợm ngay ở chính cái nơi bạn ấy đã chìm lên chìm xuống.
Những bài học rút ra
Ngay cả người lớn chúng ta khi biết kỹ thuật bơi, biết bơi không có nghĩa là chúng ta dám bơi. Nhiều người biết bơi nhưng chỉ bơi khi đứng xuống chân vẫn chạm bể bơi, cứ ra sâu hơn là không dám bơi. Đó là chúng ta chưa vượt qua được tâm lý bơi.
Có hội chứng sợ nước (aquaphobia) và có hội chứng sợ nước sâu (thalassophobia). Những người có hội chứng này cần có các biện pháp tư vấn về tâm lý, hành vi nhận thức và điều chỉnh việc tiếp xúc với nước … để họ có thể vượt qua nỗi sợ. Càng thúc ép, càng đẩy họ xuống nước càng làm cho nỗi sợ tăng lên và thậm chí gây hoảng loạn.
Nhiều thầy cô giáo dạy bơi tập trung vào kỹ thuật bơi mà không để ý đến tâm lý người bơi, đặc biệt với trẻ em khi các em nhỏ chưa biết bày tỏ, bộc lộ nỗi sợ hoặc thậm chí là nỗi ám ảnh của mình. Cha mẹ nên quan sát và tinh ý để nhận ra những dấu hiệu tâm lý này của con.
Thực hành kết nối với con mình ghi nhận cảm xúc sợ hãi của bạn ấy nên đã phát hiện được nguyên nhân là tâm lý một mình sợ độ sâu và bạn ấy ức chế với cách ứng xử của cô giáo (vì bạn này rất nhạy cảm và rất cần được khích lệ thay vì áp đặt thô bạo).
Việc tách bạn ấy ra khỏi cái bể bơi đầy ám ảnh đó là một quyết định đúng, giúp bạn ấy gỡ bỏ nỗi sợ nhanh hơn và lấy lại niềm tin. Vì hiểu trẻ con rất thích chơi ở bể vầy nên mình đã lấy thú vui này để bạn ấy vẫn đến bể bơi, vẫn xuống nước mà không sợ hãi. Nỗi sợ đã được chuyển hóa dần dần.
Đôi khi cha mẹ lại cần phải tạm thời đưa con ra khỏi những cái “hố học tâp” nếu trẻ chưa được chuẩn bị sẵn sàng để đi xuống những cái hố đó hoặc những thử thách đó quá khả năng chịu đựng của đứa trẻ. Trong tình huống ở trên là do phương pháp dạy bơi không phù hợp khiến trẻ sợ hãi và không biết cách nào để vượt qua.
Khi trẻ gặp vấn đề, cha mẹ rất cần biết cách đồng hành và tìm những giải pháp phù hợp để giúp con chuyển hóa nỗi sợ. Không hề khó nhưng điều quan trọng là bạn cần biết cách trò chuyện để hiểu được vấn đề của con và giúp con từng bước chuyển hóa nỗi sợ. Nếu đây là vấn đề của bạn, Hoàng Anh mời bạn hãy tìm hiểu về chương trình “Love to Learn” với email course “7 ngày thay đổi kết nối giúp con vượt qua nỗi sợ” của mình nhé.